ĐM đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá
Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá
Nhắn tin cho tác giả
TRƯƠNG VĂN NHÂN
Đăng tư liệu LÊ KHẮC THẬN & quy định
Mở thư mục chứa tư liệu này
(GD&TĐ) – Năm học 2013 – 2014 sẽ triển khai chỉ đạo điểm thực hiện đề án “Xây dựng mô hình trường phổ thông đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục giai đoạn 2012 – 2015”.
Mục tiêu nhằm đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng khoa học, hiện đại, tăng cường mối quan hệ thúc đẩy lẫn nhau giữa các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học – giáo dục, đánh giá trong quá trình dạy học – giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
Cùng với đó, các trường trung học đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong các môn học; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh; tăng cường liên hệ thực tế, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học.
Tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm; chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu; nắm chắc tình hình, nguyên nhân học sinh bỏ học và có giải pháp khắc phục tình trạng này; vận động nhiều lực lượng tham gia nhằm duy trì sĩ số.
Giáo viên tạo điều kiện, hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ; xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, phù hợp với các đối tượng giúp học sinh vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, khắc phục việc ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất.
Trong quá trình thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục nêu trên, giáo viên cần coi trọng việc quan sát và hướng dẫn học sinh tự quan sát các hoạt động và kết quả hoạt động học tập, rèn luyện của các em; nhận xét định tính và định lượng các hoạt động về kết quả hoạt động, qua đó đề xuất hoặc triển khai kịp thời các hướng dẫn, góp ý, điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.
Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kì, cuối năm học.
Trong các bài kiểm tra, giáo viên chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho mỗi chương và cả chương trình môn học; tăng cường ra câu hỏi kiểm tra để bổ sung cho thư viện câu hỏi của trường. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của học sinh. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.
Chỉ đạo việc ra các câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn thay vì chỉ có các câu hỏi 1 lựa chọn như trước đây; triển khai phần kiểm tra tự luận trong các bài kiểm tra viết môn ngoại ngữ. Nâng cao chất lượng việc thi cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đối với các môn ngoại ngữ; thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học trong kì thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12. Tiếp tục triển khai đánh giá các chỉ số trí tuệ (IQ, AQ, EQ…) trong tuyển sinh trường THPT chuyên ở những nơi có đủ điều kiện…
Không đồng bộ, không thể đổi mới
(GD&TĐ) – TS Nguyễn Văn Biên – Phó Chủ nhiệm khoa Vật Lý – Trường ĐHSP Hà Nội, đã bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành “Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn vật lý” tại CHLB Đức, khẳng định: Mấu chốt của đổi mới dạy học phải là sự đồng bộ giữa toàn bộ thành tố trong hệ thống.
Hai khâu cần đổi mới nhất: nhân lực và đánh giá
Theo TS Nguyễn Văn Biên, việc đổi mới dạy học không chỉ có đổi mới phương pháp mà còn là sự đổi mới đồng bộ về mục tiêu, chương trình dạy học, nội dung dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong dạy học. Một thành tố nữa rất quan trọng đó là đổi mới việc quản lí chất lượng nhân lực ngành giáo dục.
Vấn đề nổi cộm nhất của giáo dục phổ thông hiện nay chính là sự thiếu đồng bộ giữa các thành tố dạy học nói trên, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ của khâu kiểm tra đánh giá. Vì vậy, TS Nguyễn Văn Biên khẳng định: Hai khâu cần đổi mới nhất để đảm bảo tính hệ thống đó là nhân lực và đánh giá.
Dư luận xã hội do ảnh hưởng bởi cơ chế tuyển dụng dựa trên bằng cấp, ảnh hưởng sâu đậm của việc học để làm quan từ thời phong kiến đã tạo ra một guồng quay cuốn toàn bộ quá trình dạy học vào các kì thi. Trong khi bản thân các kì thi này lại chưa đánh giá được mục tiêu giáo dục đã được đề ra trong chương trình. Để vượt qua được các kì thi, đặc biệt là kì thi tuyển sinh đại học, học sinh rèn luyện những kiến thức, kĩ năng không cần thiết và hầu hết là bị lãng quên ngay sau kì thi. Đây là một sự lãng phí lớn trong giáo dục.
Mấu chốt của đổi mới dạy học phải là sự đồng bộ
Khẳng định mấu chốt của đổi mới dạy học phải là sự đồng bộ giữa toàn bộ thành tố trong hệ thống, theo TS Nguyễn Văn Biên, để việc đổi mới dạy học có hiệu quả cần thực hiện đồng thời những việc sau:
Đổi mới chế độ tiền lương của giáo viên, sao cho quy toàn bộ các thu nhập của giáo viên thành lương.
Đổi mới cách đào tạo và tuyển chọn giáo viên, phân bổ hợp lí giữa chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm với chất lượng đội ngũ giảng viên của từng trường cũng như chất lượng sinh viên đầu ra, tuyển chọn có thể ít nhưng đảm bảo chất lượng đầu vào. Một sinh viên có năng lực đầu vào thấp sẽ khó có thể trở thành một giáo viên giỏi. Có sự gắn kết chặt chẽ giữa các trường sư phạm và các trường phổ thông trong khâu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
Có chính sách tập huấn có sát hạch đối với các nhà quản lí. Thay đổi nội dung và cách thức kiểm tra đánh giá. Tôn trọng vai trò của giáo viên trong quá trình đánh giá, phối hợp giữa đánh giá kết quả với đánh giá quá trình.
Thêm nữa, đó là dư luận xã hội về giáo dục, điều này phụ thuộc vào nhận thức của toàn thể xã hội nên đòi hỏi một sự vận động lâu dài. Qua kinh nghiệm bản thân, TS Nguyễn Văn Biên thấy rằng, hiện nay một đối tượng cha mẹ học sinh có những quan niệm hết sức tiên tiến về việc học, việc thi của con em mình, họ sẵn sàng trả tiền cao để con em mình được hưởng một chế độ học tập chất lượng.
Người thầy: cơ chế khuyến khích và năng lực
Có thể thấy một thực tế rằng, cũng trong môi trường ấy, nhưng nhiều giáo viên đã tạo được “thương hiệu” với những bài giảng đầy sức cuốn hút khiến học sinh yêu thích, say mê. Điều đó chứng tỏ nỗ lực từ bản thân người thầy là rất quan trọng. Nhưng, việc làm thế nào để đổi mới phương pháp trở thành động lực tự thân của mỗi giáo viên chứ không phải là cách làm hình thức, chỉ được đầu tư mỗi buổi thao giảng, dự giờ không hề đơn giản.
Đồng tình với nhận định này, TS Nguyễn Văn Biên đã chỉ ra 2 yếu tố để giáo viên có động lực đổi mới dạy học một cách mạnh mẽ, đó là cơ chế khuyến khích và năng lực giáo viên.
“Nếu xã hội tôn vinh những người thầy có nhiều học sinh đạt được giải này giải khác tại các kì thi mà không tôn vinh những người thầy hướng tới việc rèn luyện các năng lực của học sinh thì sẽ không duy trì được việc đổi mới dạy học. Mặt khác, nếu giáo viên không có năng lực thì dù có muốn thực hiện đổi mới cũng không làm được. Như vậy một trường hợp là thực hiện được nhưng không làm còn một trường hợp là muốn nhưng không thực hiện được.
Chẳng hạn, đối với giáo viên Vật lí, các nhà lí luận và bản thân các giáo viên đều biết rõ vai trò của việc sử dụng thí nghiệm trong dạy học, nhưng vì năng lực thực nghiệm không phải là một năng lực được đánh giá trong các kì thi nên giáo viên dù muốn cũng không thể mất nhiều thời gian, công sức cho việc sử dụng thí nghiệm được. Thời gian dạy học là như nhau, cách dạy tốt nhất để đạt được kết quả cao nhất đó là luyện thật nhiều bài theo dạng các đề thi, cho nên giáo viên không muốn mất thời gian vào việc tiến hành thí nghiệm” – TS Nguyễn Văn Biên cho hay.
TS Nguyễn Văn Biên lưu ý thêm: Không có phương pháp dạy học nào là tối ưu trong mọi trường hợp, giáo viên cần được đào tạo về kiến thức chuyên ngành và kiến thức về phương pháp dạy học để có thể vận dụng một cách linh hoạt tùy từng đối tượng học sinh. Đơn cử như CNTT và thiết bị là một thành tố trong quá trình dạy học, nên nó cũng cần có sự sử dụng đồng bộ, sao cho giúp học sinh đạt được các mục tiêu dạy học, chứ không phải sử dụng như một vật trang trí cho bài dạy. CNTT hay thiết bị dạy học không tạo ra bài học thành công, mà cách thức sử dụng chúng để hỗ trợ quá trình nhận thức của học sinh mới là điều quan trọng./.
BÀI : TRƯƠNG VĂN NHÂN
Nhắn tin cho tác giả
TRƯƠNG VĂN NHÂN & LÊ KHẮC THẬN
LÊ KHẮC THẬN
Trưong Van Nhan @ 07:30 03/12/2013